Tại Tiết phủ.
Dẫu đang giữa mùa đông giá lạnh, song nơi cổng bên của Tiết phủ vẫn có không ít người chầu chực, chờ đợi mấy tờ giấy bỏ đi mà phủ này thải ra mỗi ngày. Có kẻ mặc y phục tôi tớ, tay cầm thiếp bái, hy vọng được thay mặt chủ nhân đem dâng vào phủ.
Một tiểu đồng ôm ra mấy tệp giấy, lập tức bị đám người bên ngoài ào lên tranh đoạt. Kẻ qua đường thấy cảnh tượng ấy cũng chẳng lấy làm lạ—bởi trong đống giấy vụn đó, rất có thể sẽ có bút tích luyện chữ khi rảnh rỗi của Tiết sư, hoặc vài dòng bình luận cho một bài văn nào đó. Nếu vận số tốt, còn có thể nhặt được nửa bản nháp thơ phú hoặc tranh họa, chỉ cần lĩnh ngộ được đôi phần, ắt cũng thu lợi không nhỏ.
Bởi vậy, mỗi ngày vào khoảng cuối giờ Thìn, chỉ cần tiểu đồng bước ra, đem đống giấy thải bỏ vào sọt trúc cạnh cổng bên, thì thiên hạ đều biết: đó là bản thảo của Tiết sư. Dù chỉ là một mớ mực nhòe lem nhem, người ta vẫn cam tâm tình nguyện nhặt lấy, lỡ đâu lại vớ được báu vật?
Nói ra cũng lạ, nhà quyền quý thường xử lý nội bộ mấy bản thảo hay chữ bỏ đi—hoặc thiêu hủy, hoặc cất giữ—để tránh gây họa về sau. Thế mà nhà họ Tiết lại chẳng hề e dè, vứt ra ngoài cho thiên hạ tranh nhau, chẳng sợ rước họa vào thân hay sao?
Ấy là vì Tiết sư cho rằng: nếu một mảnh bản thảo có thể giúp người khác khai sáng, vậy cũng xem như tích được một phần công đức. Là chuyện tốt. Bởi mỗi người có một ngộ tính riêng, có kẻ chỉ nhờ một chữ, một câu mà bỗng nhiên đại ngộ, nếu lại có thể ứng dụng được vào thực tế, há chẳng phải chuyện hay?
Tất nhiên, nếu có kẻ vì thế mà sinh tâm tà ác, dám lấy dùng, thì Tiết sư biết được ắt sẽ phản kích dữ dội, chẳng ngại xung đột, sẵn sàng tiêu diệt kẻ đó.
Thế có ai ngu đến vậy thật chăng? Có đấy. Từng có người đoạt được nửa bài thơ, sửa lại đôi câu, đem ra khoe tài trên thi hội, kết quả bị Tiết sư phát hiện, nghiêm khắc phê phán thói đạo văn. Kẻ đó từ đó bặt vô âm tín.
Vậy nên ai muốn đạo văn từ mớ giấy vụn, tốt nhất là đừng để Tiết sư hay biết, bằng không thì trong giới văn nhân chẳng còn mặt mũi nào mà sống.
Tuy nhiên, Tiết phủ cũng đâu có ngu. Những thứ bị vứt ra ngoài đều là loại vô hại. Còn những bản thảo thực sự có thể gây họa, đã sớm hóa tro trong lò lửa rồi.
Còn nếu có kẻ dám lấy giấy vụn làm chuyện mờ ám, Tiết sư sẽ tuyệt đối phủ nhận. Hừ, chỉ là một mớ mực loang lổ, cũng dám nhận là của ông ư? Bằng chứng đâu?
Còn chữ viết? Thế gian lại chẳng có chuyện mô phỏng chữ sao? Tôn nhi bốn tuổi nhà ông còn bắt chước được bút tích ông, nói là con nít viết chơi thì ai dám bắt bẻ?
Không tin? Vậy thì mời xem ông viết ngay tại chỗ. Tin hay không thì tùy.
Tóm lại một câu: Tiết sư—kẻ học vấn uyên thâm, hiểu biết uyên bác, văn chương như biển, nhưng lại là một tên lưu manh—ngươi thử đụng vào mà xem?
Miệng lưỡi của ông ấy, đủ sức mắng chửi suốt ba ngày ba đêm không trùng câu nào!
Hiện tại, Tiết Sĩ Ung chỉ thấy tuyệt vọng. Ông không hiểu nổi—nửa đời người đã qua, đã làm đến chức tổ phụ rồi, sao bỗng dưng lại xui xẻo đến thế? Không chỉ ông gặp hạn, mà cả nhà cũng tai họa liên miên—kẻ thì bệnh, người thì thương, mọi sự bất thuận.
Lúc đầu còn tưởng là do trời lạnh, cả nhà vì thế mà đồng loạt phát bệnh. Nhưng bản thân ông vừa uống ngụm nước đã bị sặc đến suýt nghẹn chết, vậy thì còn do lạnh giá gì nữa?
Chuyện sặc nước còn chưa hết, ông lại vì ho quá mạnh mà mất thăng bằng, ngã nhào về phía trước, đầu đập thẳng vào góc bàn.
“Xì…” Tiết Sĩ Ung nhăn mặt rít lên một tiếng, quay sang trách tiểu đồng đang bôi thuốc trên trán mình: “Nhẹ tay chút.”
Tiểu đồng vội vã đáp lời, động tác cũng dịu lại.
“Lão gia, Triệu đại nhân đến rồi.” Quản sự phủ bước vào bẩm báo.
Tiết Sĩ Ung khẽ giật mình, chân mày chau lại, giọng đầy bực bội: “Mời vào đi.”
Triệu Côn là bạn đồng song thân thiết của ông, song ông vốn không ưa chốn quan trường hiểm ác, sau vài tháng làm việc ở Hàn Lâm Viện, vơ vét đủ sách quý trong cung, vừa hay phụ thân qua đời, ông liền xin nghỉ tang, sau này cũng không phục chức, mà đi làm tiên sinh trong thư viện, rồi trở thành sơn trưởng của Lộc Ninh thư viện.
Còn người bạn kia lại đam mê chốn quan trường, hai người tuy đôi lúc bất đồng chính kiến, nhưng giao tình vẫn thâm hậu. Lần này Triệu gia lão thái gia qua đời, ông đến viếng, vô tình nhắc đến chuỗi xui xẻo của mình, không ngờ Triệu Côn lại tới tìm, khuyên ông xem xét lại phong thủy trong nhà.
Hừ, con cháu nhà Nho không bàn chuyện quỷ thần, Tiết Sĩ Ung cực kỳ dị ứng với mấy trò huyền hoặc. Khi ấy còn nổi giận, suýt nữa đuổi bạn ra khỏi cửa. Chuyện này mà truyền ra ngoài, chẳng phải bảo ông—một sơn trưởng thư viện—đi tin mấy chuyện ma mị hay sao?
Truyện được dịch đầy đủ tại prostab2016.org
Nhưng Triệu Côn lại nói: “Thà tin là có, còn hơn không. Không có chuyện cả nhà cùng xui mà vô duyên vô cớ. Mời thầy về xem qua một lượt có gì sai đâu? Không có chuyện gì thì càng tốt, có chuyện thì sớm giải quyết.”
Tiết Sĩ Ung suýt nữa cầm chổi đuổi người, còn định đoạn giao luôn. Thế khác gì rủa ông chứ? Nhưng phu nhân thì lại tin, còn vì thế mà cãi nhau một trận long trời lở đất…
Dẫu sao thì đích tôn mà bà cưng nhất cũng đã bệnh gần một tháng, người gầy rộc như que củi, nếu thật sự có chuyện gì chẳng lành, bà ấy nhất định sẽ liều mạng với ông!
Vì oai phong của phụ nhân trong nhà, Tiết Sĩ Ung đành vừa mắng thầm “con mẹ hổ dữ tợn”, vừa nhượng bộ: xem thì xem, chẳng mất miếng thịt nào!
Nay Triệu Côn thực sự bước chân vào cửa, khiến đầu ông bỗng dưng đau nhức nhối.
Chẳng hiểu sao, ông cứ có cảm giác chẳng có chuyện gì hay ho.
Triệu Côn nhanh chóng hiện thân trong tầm mắt ông. Chỉ là, cô nương đứng sau hắn là ai? Triệu gia khi nào lại có cô nươngyếu đuối như vậy?
“Chà, lão Tiết, trán ông sao vậy? Đụng phải đâu rồi?” Triệu Côn vừa thấy vết máu sưng tấy to bằng quả trứng gà trên trán ông, liền kinh ngạc hỏi.
Đúng là cái miệng chuyên chọc chỗ đau!
Tiết Sĩ Ung hừ lạnh một tiếng: “Vô tình va phải thôi. Còn cô nương này là ai?”
“Lại đây, để ta giới thiệu. Đây là Cửu cô nương của Khai Bình Hầu phủ, cứ gọi nàng là Cửu nương là được.”
Tiết Sĩ Ung khẽ nhíu mày. Nếu là người Khai Bình Hầu phủ, vậy chẳng phải họ Lăng sao?
Tuy ông và nhà họ Lăng cũng có chút giao tình, nhưng chẳng thân thiết gì mấy. Dù sao thì dòng dõi công hầu và nhà nho thanh quý xưa nay vốn chẳng ưa gì nhau: kẻ chê người kia phú quý thô lậu, kẻ lại thấy bên này ngạo mạn thanh cao—hai bên chẳng dễ hòa hợp.
Giờ đây, Triệu Côn lại cố tình dẫn người nhà họ Lăng tới gặp, mà còn là một tiểu cô nương non nớt?
Tiết Sĩ Ung chỉ khẽ gật đầu giữ lễ, rồi liếc mắt nhìn lão bạn, trong lòng không khỏi nghi hoặc: rốt cuộc là có ý gì đây?
Triệu Côn vội vàng giải thích: “Chính là tiểu sư phụ mà ta đã nhắc đến.”
Khoé miệng Tiết Sĩ Ung co giật: “Cái gì cơ? Ngươi vừa nói gì?”
Chẳng lẽ tuổi già thật sự khiến tai ông lãng rồi? Tiểu sư phụ gì chứ, Triệu Khải Ninh, cái đồ trời đánh nhà ngươi, đừng có mang con nít ra lừa ta!
“Cửu nương có học qua ngũ hành phong thủy, đúng không?” Triệu Côn quay sang nhìn Lăng Cửu Xuyên, trên gương mặt cương nghị tràn đầy tín nhiệm.
“Khí Văn Xương, văn khí rất nồng đậm… Hắn là Văn Khúc tinh hạ phàm sao?” Tướng Xích lúc này đang chễm chệ trên đầu Tiết Sĩ Ung, hít hà khí tức không ngừng, văn vận Văn Xương nếu có thể hấp thu, thì trên con đường hóa thần thú, nó lại tăng thêm một tầng cơ cơ sở vững chắc.
Thế nhưng đang hít lấy hít để, bỗng nhiên nó hét lên một tiếng rồi lùi lại, liên tục phun mấy ngụm: “Thối quá! Hắn rơi xuống hố phân à? Sao Văn Xương khí lại ô uế thế này, ọe…”
Lăng Cửu Xuyên bình thản nhìn Tiết Sĩ Ung, khẽ nói: “Văn Xương hữu vận, nhưng vận ấy trên người Tiết sư không những đang tiêu tán mà còn bị uế khí xâm nhiễm, bị vấy bẩn rồi.”
Tiết Sĩ Ung sắc mặt lập tức đen như đáy nồi. Nghe xem, toàn là những lời gì đây! Đường đường tiểu thư hầu phủ, không lo sống an phận lại đi làm mấy chuyện thần thần quỷ quỷ thế này?
Cảm ơn bạn Pham Nhat Hoang donate 100K cho bộ Quang Âm Chi Ngoại!
Có thể một ngày nào đó bạn sẽ không thể truy cập được website Rừng Truyện vì các lý do bất khả kháng. Đừng lo, bạn vẫn có thể đọc tiếp bộ truyện mình yêu thích. Mời bạn tham gia nhóm Rừng Truyện trên Facebook!
Chúng mình đang hết sức cố gắng để duy trì hoạt động của trang web một cách ổn định. Nếu có thể xin vui lòng góp vài đồng ủng hộ bạn nhé!

Chưa có thảo luận nào cho bộ truyện này.